Bệnh nhân mắc bệnh về cơ – xương – khớp, cần đi khám chuyên khoa, không tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau.
Bệnh nặng vì "thần dược"Ông Nguyễn Tiến K thường xuyên bị đau lưng, đau cột sống. Cứ mỗi lần trời trở lạnh, ông càng đau hơn. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến nghề chạy xe của ông. Dù đau, nhưng ông rất ngại đi khám, lo sợ mất thời gian, phiền con cháu. Nghe lời người trong làng mách, ông giấu giếm con cháu đi tiêm một mũi thuốc giảm đau. “Như “thần dược”, tiêm xong một mũi là tôi lại như chưa từng đau, thế mới có thời gian mà chạy xe chứ. Cứ đau là tôi lại đi tiêm, vừa rẻ lại nhanh, tiện. Thế mà cũng được khoảng một tuần “khỏe như vâm” đấy!”, ông K nói.
Cách đây mấy ngày, khi con trai nhà về “ép” ông đến bệnh viện khám sức khỏe, ông mới chịu đi. Nhận kết quả bị loãng xương nặng, xương giòn, ông mới vỡ lẽ, đó phần lớn là do lâu nay ông lạm dụng “thần dược” chứa thành phần corticoid. Dù bệnh vậy, nhưng ông vẫn “ngoan cố”, bảo chỉ cần tiêm xong bớt đau là được thôi.
Cũng là “khách quen” của các loại thuốc có chứa thành phần corticoid, ông Nguyễn V.N (58 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) thường tự đi mua thuốc để điều trị giảm các triệu chứng đau, sưng của bệnh gout. Dùng được một thời gian, ông N bị lao phổi nặng, bệnh trở nhanh, từ lúc xuất hiện các triệu chứng ho, sốt... đến lúc đi khám ở bệnh viện, hai lá phổi của ông đã trắng xóa! Chỉ sau vài ba ngày nằm viện, nhiều vùng cơ thể của ông cũng bị nhiễm trùng, thậm chí có những vết loét ăn vào tận xương...
Trao đổi với PV, GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không ít người xưng là thầy lang chữa “bách bệnh”, vì lợi nhuận, lợi dụng lý do tiêm thủy châm nhưng thực chất lại tiêm các loại thuốc Tây y tùy tiện vào ổ khớp cho bệnh nhân, phổ biến nhất là tiêm corticoid. Việc tiêm các loại thuốc này vào có thể mang lại hiệu quả tức thì, giúp người bệnh thoái hóa khớp hay đau cơ xương khớp giảm đau lập tức nhưng không có tác dụng chữa khỏi bệnh. Đặc biệt nếu lạm dụng, sử dụng kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nguy hại đến sức khỏe.
GS.TS Trần Ngọc Ân nói: “Tôi được biết, quản lý Nhà nước về y tế, phòng quản lý hành nghề y của các Sở Y tế không ai cấp phép hay cho phép tiêm bất cứ loại thuốc nào vào ổ khớp của người bệnh như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các phòng khám tư, rất nhiều người bệnh đến với tôi đã phản ánh thực trạng như vậy”.
Loét cả đường tiêu hóa, xương giòn tan vì corticoid
BSCK Chấn thương chỉnh hình Vương Trung Kiên cho biết: “Ngại đau, ngại khám, ngại điều trị kéo dài, không ít bệnh nhân, nhất là người trung niên và cao tuổi tìm đến các loại thuốc giảm đau có chứa thành phần corticoid để giảm đau nhanh chóng, nhưng lại dùng một cách vô tội vạ. Trong khi đó, corticoid nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây nên tình trạng suy giảm sức đề kháng ở người bệnh, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây bệnh. Những người sử dụng corticoid trong thời gian dài như bệnh nhân N rất dễ bị bệnh. Khi bị bệnh thường nặng hơn và có diễn biến nhanh hơn so với những người bình thường, trong khi nếu dùng với tác dụng chậm, kéo dài, chỉ được phép dùng corticoid tối đa 4 lần/năm”.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y Dược TPHCM), corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, giảm đau, chữa viêm các loại... nhưng corticoid cũng là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng và gây nghiện. Corticoid giúp giảm đau nhanh, ăn được, ngủ ngon, lại được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau nên nhiều bệnh nhân ví như “thuốc tiên”. Tuy nhiên, khi đã lệ thuộc corticoid, người bệnh sẽ bị béo thân người, cơ tay chân teo nhỏ, kèm theo mệt mỏi, trầm cảm, cáu gắt, giảm ham muốn tình dục cùng nhiều biến chứng khác như cao huyết áp, tiểu đường, loãng xương... Nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc đột ngột sẽ bị suy thượng thận, tụt huyết áp và tử vong.
Còn GS.TS Trần Ngọc Ân chia sẻ: “Đặc biệt, gần đây người ta còn tiêm vào ổ khớp người bệnh loại thuốc Kcort hay Kenacort. Loại này có hoạt chất chính là triamcinolone acétonide thuộc nhóm thuốc corticoid có tác dụng tổng quát, tác dụng tại chỗ, chống dị ứng và chống sưng viêm. Đây là thuốc chỉ được dùng theo toa bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ, nếu lạm dụng tiêm chất này vào ổ khớp, người bệnh sẽ dẫn đến phù, giảm kali/máu, rối loạn giấc ngủ, nhất là còn gây loãng xương, teo cơ, khiến cơ thể teo tóp đi”.
Một điều khiến các chuyên gia trăn trở, đó là nhiều bệnh nhân khi nghe bác sĩ giải thích bệnh của họ phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời thì thiếu kiên nhẫn, thậm chí không nghe theo. Người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, bác sĩ nói không nghe nhưng cứ hễ nghe thầy nào chữa giỏi, thuốc gì hay là tự tìm đến mà không cần biết thầy đó có qua trường lớp hay không, thuốc đó có chứa những gì. “Có những bệnh nhân dùng thuốc Nam đặt mua trên mạng để chữa bệnh mà không biết rằng, corticoid được rắc trên các lá thuốc và pha trộn vào thuốc tễ”, BS Vương Trung Kiên nói.
Các chuyên gia khuyên rằng, với bệnh nhân buộc phải dùng corticoid, trong thời gian sử dụng thuốc chứa thành phần này, nên ăn chế độ ăn thích hợp như hạn chế đường, mỡ, muối, ăn nhiều đạm, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều kali (chuối, cam...) để hạn chế triệu chứng Cushing làm tăng đường huyết, làm tăng dự trữ mỡ, làm thoái biến protid, giữ natri và mất kali trong cơ thể…
Theo giadinh.net.vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét