Tránh được bệnh gout nhờ xét nghiệm máu
Anh Nguyễn Văn Lâm trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội là kiến trúc sư. Công việc của anh cũng phải tiếp khách nhiều nên đôi lúc, anh Lâm cũng lo ngại việc nhậu nhẹt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không có nhiều thời gian cho việc kiểm tra sức khỏe định kỳ nên anh Lâm thường gọi điện cho phòng khám tư nhân đến tận công ty lấy máu về xét nghiệm rồi trả kết quả qua email.
Đến tháng 2 vừa qua, anh Lâm tá hỏa với kết quả xét nghiệm máu có chỉ số axit uric trong máu tăng cao lên mức 510 Mol/l, trong khi bình thường anh chỉ có 420 mol/l. Anh được các bác sĩ ở phòng khám cảnh báo nhiều khả năng anh bị bệnh gout vì rối loạn chuyển hóa axit uric tăng cao, một trong những chỉ số cảnh báo của bệnh gout.
Trong khi đó, anh Lâm tự kiểm tra và lâm sàng thì mình không vị đau khớp chân, khớp tay. Năm ngoái, anh thấy mắt cá chân có đau nhức nhưng không phải bệnh gout mà chỉ là bệnh khớp có gai sừng sau khi điều trị bệnh đã khỏi.
Anh Lâm vào bệnh viện kiểm tra thì mọi chỉ số về xương khớp đều không phải là bệnh gout. Lúc này, kết quả xét nghiệm máu của anh là lượng axit uric tăng cao thực sự và bác sĩ nghi ngờ anh Lâm bị rối loạn chuyển hóa, một trong những triệu chứng ban đầu của việc sinh ra bệnh gout. Nhờ có lần kiểm tra máu định kỳ đó, anh Lâm đã điều chỉnh lại chế độ ăn cho phù hợp để tránh mắc phải bệnh đàn ông không mong muốn đó.
Hàng chục bệnh được phát hiện nhờ xét nghiệm máu
Vốn là thanh niên khỏe mạnh nên em Vũ Quốc Dũng - sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách Khoa không bao giờ nghĩ mình bị viêm gan B. Vào chiến dịch lễ hội xuân hồng năm nay, Dũng đi hiến máu tình nguyện theo bạn bè. Cũng nhờ lần hiến máu tình nguyện này mà các bác sĩ phát hiện Dũng dương tính với viêm gan B.
Lục lại tiền sử bệnh tật của gia đình, Dũng khẳng định nhà em không có ai bị viêm gan B nên em yên tâm mình không bị bệnh đó. Nhưng khi nhận kết quả, em cũng sốc. Đến nay, Dũng đã thoải mái hơn và em kể "em biết mình bị bệnh nên thường xuyên đi kiểm tra men gan để theo dõi bệnh. Nếu không đi hiến máu, tình cờ phát hiện ra bệnh viên gan B thì em không để ý đến sức khỏe của mình như hiện nay".
Khi biết bệnh, Dũng cũng thông báo cho mọi người trong gia đình đi xét nghiệm máu kiểm tra viêm gan B. Dù các thành viên khác đều âm tính nhưng đây thực sự là điều mà Dũng vui nhất khi em đi xét nghiệm máu trong chương trình hiến máu tình nguyện.
BS Lê Thái Long - BV Đa khoa Trung tâm An Giang chia sẻ, đối với việc chẩn đoán bệnh nội khoa, ngoại khoa thìxét nghiệm máu rất cần thiết. Nhìn vào các chỉ số xét nghiệm máu mà bác sĩ có thể chẩn đoán được người bệnh có thể mắc những bệnh gì.
Trong cơ xương khớp, xét nghiệm máu ít được dựa vào để chẩn đoán bệnh hơn. Tuy nhiên, riêng với bệnh gout thì kết quả xét nghiệm cộng với biểu hiện lâm sàng như sưng viêm các khớp là một trong những yếu tố để chẩn đoán bệnh tốt hơn.
Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương cho biết, thành phần của máu do ba loại tế bào hợp thành là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Hồng cầu làm nhiệm vụ chuyên chở oxy từ phổi đến các cơ quan. Người trưởng thành bình thường có từ 4 đến 5 triệu hồng cầu/mm3 máu, phụ nữ thấp hơn đàn ông một chút. Tiểu cầu điều hòa sự đông đặc của máu.
Nhờ vậy, đếm tế bào máu sẽ biết được máu loãng hay biểu hiện của bệnh ung thư máu. Ngoài ra nếu lượng huyết cầu tố thấp HGB hơn mức trị số bình thường có thể bị thiếu máu. Trong xét nghiệm máu, phát hiện số lượng bạch cầu tăng hơn mức bình thường là khả năng cơ thể đang viêm nhiễm.
Xét nghiệm máu còn phát hiện các loại vi-rút gây bệnh HIV, viêm gan siêu vi A, B, C… Ngoài ra, xét nghiệm máu còn sàng lọc được sốt rét và nhiều bệnh lý khác về tim mạch. Nhờ có xét nghiệm máu mà nhiều người đã biết mình thuộc nhóm máu hiếm.
Hiện nay, có nhiều câu lạc bộ nhóm máu hiếm tạo thành một cộng đồng để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan đến truyền máu. Có lẽ, đây là một trong những kết quả lớn nhất của việc xét nghiệm máu.
Theo Phương Thúy - Phụ nữ TPHCM
0 nhận xét :
Đăng nhận xét